Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tăng trưởng GRDP của Thái Nguyên sau nửa nhiệm kỳ

2023-10-25 09:15:00.0

 

Một góc trung tâm TP. Thái Nguyên. (Ảnh: Thành Chung)

Từ mục tiêu tổng quát trên, Nghị quyết đã cụ thể hóa thành 14 nhóm chỉ tiêu chủ yếu định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, trong đó mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, vượt qua những khó khăn, phát triển kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế của tỉnh trong năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng dương 6,53%, gấp hơn 2,5 lần mức tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy không đạt kế hoạch đề ra (tăng 7%) nhưng đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cho thấy tính đúng đắn trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của Nhân dân. Với việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và nỗ lực của cả hệ thống chính trị với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua khó khăn, thác thức, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu đề ra trong năm 2022. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra là 8%.

Bình quân 02 năm (2021 - 2022) tăng trưởng GRDP đạt 7,55%/năm, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23%/năm, đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,46%/năm, đóng góp 5,45 điểm phần trăm (riêng khu vực công nghiệp tăng 8,82%/năm, đóng góp 5,14 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ tăng 6,59%/năm, đóng góp 1,47 điểm phần trăm; còn lại là đóng góp của thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với mức tăng trưởng bình quân 6,03%/năm.

Do tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt khá, khu vực dịch vụ có sự hồi phục tích cực sau đại dịch COVID-19 nên cơ cấu kinh tế theo ngành giai đoạn 2021 - 2022 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Cụ thể: Năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 89,2% trong tổng GRDP của tỉnh, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm 2020, trong đó riêng khu vực công nghiệp chiếm 52%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2021. Năm 2022, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 89,9% trong tổng GRDP, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm 2021, trong đó, riêng khu vực công nghiệp là 52,3%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2021. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 là 11,5% giảm xuống còn 10,8% năm 2021 và năm 2022 chỉ còn chiếm 10,1%. Xét riêng cơ cấu khu vực dịch vụ, do quy mô năm 2022 tăng 26,5% so với năm 2020 nên tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 30,5% năm 2020 lên 31,4% năm 2022.

Sản xuất gạch ốp lát tại Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên. (Ảnh: Trần Nhung)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực còn thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành công nghiệp. Năm 2020 ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 2,7% tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, đến năm 2022 chỉ còn chiếm 1,7%; trong khi đó, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 90,7% năm 2020 lên 92,7% năm 2022. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng tiết kiệm và khai thác đúng mức tài nguyên thiên nhiên; tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là hướng đi đúng đắn trong tiến trình công nghiệp hoá nền kinh tế.

Cùng với tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng, năng lực sản xuất của các ngành đều có sự tăng trưởng mặc dù phải đối mặt với với nhiều khó khăn, thách thức. Theo giá hiện hành, quy mô kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt gần 143 nghìn tỷ đồng (tương đương 6,07 tỷ USD), gấp 1,23 lần năm 2020. Trong đó, giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp - xây dựng gấp 1,24 lần; giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ gấp 1,27 lần và giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản gấp gần 1,08 lần năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2022 luôn cao hơn tốc độ tăng dân số nên GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 107 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2021. Trong giai đoạn này, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thái Nguyên luôn dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và xếp thứ 4/10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội (chỉ xếp sau Bắc Ninh, Hà Nội và Vĩnh Phúc).

Năng suất lao động bình quân chung toàn tỉnh năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt 237,2 triệu đồng/lao động, cao hơn 26,2% so với mức bình quân chung cả nước, tăng 11,3% so với năm 2021 và tăng 25,4% so với năm 2022. Phân theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 142,2 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp - xây dựng 303,5 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ 172,5 triệu đồng/lao động. Năng suất lao động theo giá hiện hành của tỉnh có những cải thiện khá ở cả ba khu vực kinh tế. So với năm 2020, năng suất lao động năm 2022 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 1,6 lần; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 18% và khu vực dịch vụ tăng 14,1%. Có được kết quả như vậy là do cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, các doanh nghiệp của tỉnh dần tham gia vào chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh, thu hút đầu tư… đã tạo động lực, thúc đẩy tăng năng suất lao động của tỉnh.

Bước sang năm 2023, trong bối cảnh chung của cả nước, kinh tế tỉnh Thái Nguyên đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì đà tăng trưởng do cầu thế giới sụt giảm; xuất khẩu hàng hóa giảm sâu do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay lại phải đối mặt với khó khăn do chi phí đầu vào ở mức cao, thị trường đầu ra khó khăn... Do vậy, tăng trưởng GRDP của tỉnh 9 tháng năm 2023 ước tăng 4,35% so với cùng kỳ (cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, ước đạt 4,24%), trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,85%, khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm 7,34%.

Sản xuất thiết bị y tế tại Công ty TNHH Mani Hà Nội chi nhánh tại KCN Điềm Thụy, Phú Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: Xuân Huy)

Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng năm 2023 là 8% thì tăng trưởng quý IV/2023 phải đạt 19,3%, trong đó, khu vực công nghiệp cần đạt 26,6% và khu vực dịch vụ cần đạt 12,5%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, con số tăng trưởng 19,3% của quý IV/2023 là rất "thách thức" hay có thể nói là khó khả thi. Bởi xét theo 3 khu vực, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm khoảng 10 - 11% cơ cấu GRDP của tỉnh) thường chỉ có giới hạn khoảng 3 - 4%; khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên rất khó đạt được mức tăng trưởng 26,6% trong quý IV/2023 (gấp 11,7 lần tăng trưởng 9 tháng năm 2023); đối với khu vực dịch vụ, mặc dù tăng trưởng 9 tháng năm 2023 đạt khá cao 7,96% nhưng cũng rất khó để đạt được mức tăng trưởng 12,5% trong quý IV/2023 trên nền tăng trưởng khá cao 8,01% của quý IV/2022.

Nửa đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đây là kết quả của sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; tận dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cơ chế thu hút đầu tư cởi mở, linh hoạt, tạo động lực, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% sẽ gây áp lực rất lớn đến tăng trưởng năm 2024 và năm 2025 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên sẽ quyết tâm hoàn thành cao nhất có thể các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, trong đó có mục tiêu về tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8%/năm.

CTV Thu Trang (Cục Thống kê tỉnh)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3805643